Bạn đang ở đây

29/11/2017

Yara Celis và Jill Seghers vừa tốt nghiệp ngành Giáo dục mầm non tại trường Đại học Karel de Grote, Vương quốc Bỉ, một trong những đối tác làm việc lâu năm của VVOB. Năm nay, họ có cơ hội thực tập giảng dạy trẻ mầm non từ 4 – 5 tuổi thuộc một trường tiểu học ở TP. Tam Kỳ trong 3 tháng. Mặc dù gặp những khó khăn về ngôn ngữ, họ đã áp dụng phương pháp quan sát trẻ trong quá trình giảng dạy.

Trẻ phản ứng thế nào khi lần đầu tiên gặp bạn?

Jill: Lúc đầu, các em có vẻ xa cách bởi chúng không biết liệu có được phép nói chuyện với chúng tôi hay không. Nhưng sau đó, các em bắt đầu hỏi tôi nhiều điều. Vì không hiểu tiếng Việt nên tôi trả lời bằng tiếng Hà Lan. Bọn trẻ cười lớn vì chúng cũng không hiểu tôi nói gì.

Có trẻ nào để lại ấn tượng sâu sắc với bạn không?

Jill: Trong các lớp tôi dạy, Kiệt hay bắt nạt các bạn khác. Kiệt thường có vẻ buồn, không cười, hay chọc ghẹo và đánh bạn. Kiệt thường hay khóc, hét lớn và ngồi riêng một mình trong góc lớp. Quan sát Kiệt một lát, tôi đánh giá mức độ thoải mái của em ở mức 2 mức độ tham gia của em ở mức 1 vì em không hề hào hứng với các hoạt động trong lớp, cứ làm việc riêng và tha thẩn một mình…

Yara: Lần đầu tiên vào lớp, tôi lập tức chú ý đến Tường, một bé gái khiếm thính 4 tuổi. Các giáo viên đứng lớp hầu như không chú ý nhiều đến Tường trong các hoạt động của lớp. Tôi có thể thấy rằng em buồn vì không được chú ý và đánh giá mức độ thoải mái ở mức 2. Vì Tường không thể tham gia vào các hoạt động nên em cảm thấy chán nản, vì vậy tôi đánh giá mức độ tham gia của em ở mức 1.

Ghi chú: Để hiểu hơn về thang đánh giá mức độ thoải mái và tham gia của trẻ, vui lòng tham khảo thang đo Leuven tại đây.

“Kiệt hay bắt nạt bạn, thường chọc ghẹo, đánh những bạn khác và ngồi trong góc một mình.”

Bạn có cố gắng để tất cả các trẻ trong lớp cùng tham gia không? Bằng cách nào?

Yara: Tôi quan sát các em rất nhiều. Sau đó, tôi thiết kế các hoạt động dựa trên sở thích và nhu cầu của các em. Các em rất thích và theo tôi đó là chìa khóa để thành công.

Cả hai: Chúng tôi tổ chức hoạt động theo góc, chia phòng học thành những góc nhỏ với nhiều chủ để khác nhau. Chúng tôi cũng sử dụng rất nhiều các vật liệu tự nhiên (như que củi, bùn, nước, cát, sỏi…) cũng như các vật liệu tái chế (như bàn chải đánh răng, ống hút, nĩa nhựa, chai nhựa, lõi giấy vệ sinh…) để cùng chơi và làm đồ chơi. Chúng tôi cũng tổ chức một số buổi tham quan các vườn hoa, ao cá, hồ bơi... Dưới đây là vài ví dụ về các hoạt động mà chúng tôi tổ chức (xem hình):

  • Dùng bùn để tô màu cho cây mô tả tình bạn. Thiên nhiên mang trẻ lại gần nhau hơn bởi các em được làm việc theo nhóm. Các em thích thú khi bị vấy bẩn. Chúng tôi để bọn trẻ được tự quyết định dùng bùn như thế nào (tô bằng que củi, bàn tay, cánh tay hay bàn chân…) và quyết định tô cây nào.
  • Nấu mì Ý. Đầu tiên, các em quan sát, ngửi, cảm nhận và nếm nguyên liệu. Bọn trẻ rất ngạc nhiên khi được phép tự cắt rau! Sau đó, chúng tôi cùng nhau thưởng thức bữa ăn. Đối với nhiều trẻ, đó là lần đầu tiên chúng được thử một món ăn phương tây.
  • Làm mỹ phẩm cho mẹ vào ngày quốc tế phụ nữ. Bọn trẻ lại có cơ hội vấy bẩn và chúng rất hào hứng. Các em có thể tự chọn các loại nguyên liệu như muối, dầu, trái cây ... và trộn chúng lại với nhau trong một cái bát. Bạn có thể thấy bọn trẻ tự hào như thế nào khi có thể tự tay làm mỹ phẩm.
  • Hôm đó, chúng tôi tổ chức “Ngày Spa”. Mỗi trẻ được tự chọn để trở thành thợ làm tóc, nhân viên mát xa, chủ thẩm mĩ viện hay nhà hàng nhỏ… và phục vụ bố mẹ. Các ông bố bà mẹ rất tự hào về con mình! 
“Tôi quan sát các em rất nhiều. Sau đó, tôi thiết kế các hoạt động dựa trên sở thích và nhu cầu của các em. Các em thực sự thích thú và theo tôi đó là cách để thành công.”

Sau tất cả những hoạt động này, bọn trẻ cảm thấy như thế nào?

Jill: Bây giờ, Kiệt là một “học sinh gương mẫu”. Tôi nhận ra rằng sở dĩ em từng hành động như vậy là vì em chán nản các hoạt động ở lớp. Tôi đã giúp Kiệt tham gia vào các hoạt động phù hợp với sở thích và sáng kiến của em. Giờ đây, Kiệt bắt đầu chơi với các bạn, chia sẻ đồ chơi mà không đánh nhau… Kiệt đã thay đổi hoàn toàn!

Yara: Tường có thể hoàn toàn chủ động tham gia trong mọi hoạt động, điều bạn cần làm là giúp Tường hình dung được các hoạt động. Trẻ có những sở thích và nhu cầu khác nhau nên khi tác động vào đúng nhu cầu và sở thích, trẻ sẽ tham gia và có thể học được rất nhiều. Bây giờ, tôi rất hài lòng khi nhìn lại những gì mình đã làm bởi vì tôi biết Tường sẽ ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt động ở lớp.