Bạn đang ở đây

Preschool central Vietnam
05/04/2018

Các tỉnh miền núi miền Trung Việt Nam là nơi có nhiều dân tộc thiểu số khác nhau cùng sinh sống, vì vậy trong các lớp học mẫu giáo trẻ thuộc nhiều nhóm dân tộc khác nhau. Hiện VVOB đang cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo của 3 tỉnh miền Trung Việt Nam thực hiện chương trình 5 năm nhằm hỗ trợ giáo viên trong công tác giảng dạy các nhóm trẻ đa dạng dân tộc như vậy. Công cụ "quan sát trẻ theo quá trình” giúp giáo viên suy ngẫm lại thực tiễn dạy học để xác định trẻ nào (có nguy cơ) không học được, từ đó giáo viên điều chỉnh phương pháp tiếp cận để tất cả trẻ đều học được. Cô Trần Thị Kim Lý, Cố vấn Giáo dục tại VVOB Việt Nam, giải thích rõ hơn về dự án hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho tất cả trẻ em bằng cách tập trung vào nhóm trẻ dễ bị tổn thương nhất.

Trẻ em dân tộc thiểu số

Dự án hiện tại tập trung vào việc giảm thiểu rào cản đối với việc học của trẻ em mầm non ở các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Những đứa trẻ này là ai và tại sao chúng lại dễ bị tổn thương?

65% trẻ em được tiếp cận trong chương trình là từ các nhóm dân tộc thiểu số. Dự án can thiệp vào các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện sống còn khó khăn. Những vùng nông thôn này có nhiều nguy cơ xảy ra thiên tai, người dân sống trong điều kiện kinh tế khó khăn, xa trung tâm và các dịch vụ công cộng. Trẻ em ở một số khu vực xa xôi đôi khi thậm chí không thể đến trường chính, mà học ở các “điểm trường lẻ” (thuộc trường chính nhưng gần nhà và phục vụ cho nhóm trẻ em tại khu vực đó). Trẻ ở các lớp này thường trong các độ tuổi khác nhau - từ 3 đến 5 tuổi - và đa dạng dân tộc. Do đó, trẻ em ở các vùng này dễ bị tổn thương theo nhiều cách và trẻ em dân tộc thiểu số thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn thế. Khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ tạo nên rất nhiều thách thức. Sự can thiệp của chúng tôi nhằm hỗ trợ giáo viên cách làm việc với sự đa dạng đó.

Sự đa dạng: một tài sản

Những rào cản đối với việc học của trẻ là gì? Làm thế nào để giảm thiểu những rào cản đó?

Có rất nhiều rào cản đối với việc học. Phân tích tình hình tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum đã nêu bật ba loại chính: vấn đề về giới, môi trường và đa dạng sắc tộc.

Đối với rào cản về đa dạng sắc tộc, hầu hết giáo viên mầm non là người Kinh và nói tiếng Việt. Giao tiếp giữa giáo viên và trẻ em các dân tộc khác  gặp rất nhiều khó khăn. Dự án tập trung vào phát triển chuyên môn giáo viên do trường chủ trì và dựa trên nhu cầu để giải quyết vấn đề này. Công cụ tiếp cận "quan sát trẻ theo quá trình", giúp giáo viên tìm cách giải quyết các khó khăn về giao tiếp, và thậm chí có thể biến thách thức đó thành lợi thế. Thay vì xem sự khác biệt sắc tộc là một rào cản, giáo viên học cách coi đó là một tài sản và điều chỉnh việc giảng dạy của mình sao cho phù hợp với sự đa dạng đó. Giáo viên sử dụng công cụ ‘quan sát trẻ theo quá trình’ để suy ngẫm thực tiễn giảng dạy và dẫn dắt họ tìm ra giải pháp phù hợp với bối cảnh thực tế tại địa phương.

Thay vì nhìn thấy sự khác nhau của dân tộc là một rào cản, giáo viên học cách coi đó là một tài sản và điều chỉnh việc giảng dạy của mình sao cho phù hợp với sđang dạng đó.
Trần Thị Kim Lý, cố vấn giáo dục tại VVOB Việt Nam

Khó khăn trong giao tiếp

Trong những lần bạn đến thăm trường mầm non, có lần nào bạn có ấn tượng đặc biệt?

Một lần đến thăm trường mầm non, tôi thấy trẻ đang chơi trò nhập vai.  Hai bé gái đóng vai người bán hàng: bé gái người Kinh đóng vai người bán rau quả, và bé gái người dân tộc đóng vai chủ tiệm bán xe hơi. Bé gái đóng vai chủ tiệm bán xe hơi trông có vẻ buồn chán. Không ai ghé đến cửa hàng của bé, trong khi rất nhiều bạn đến mua tại cửa hàng bán rau quả. Khi cô giáo tới gần cửa hàng, bé ấy đã cố gắng nói chuyện với cô giáo, nhưng cô không để ý. Có thể do bé ấy nói bằng tiếng dân tộc hoặc nói quá nhỏ, hoặc do cô giáo đang mải nói chuyện với bạn gái đóng vai người bán rau quả, hoặc hoặc có thể vì một lí do nào khác... Trông cô bé có vẻ rất buồn vì không thể giao tiếp với cô giáo và các bạn khác trong hoạt động này.

Giáo dục chất lượng cao cho tất cả trẻ em

Hãy tưởng tượng đó là năm 2030 và Việt Nam đã đạt được Mục tiêu toàn cầu 4. Theo bạn nền giáo dục khi đó sẽ như thế nào? Các trường mầm non sẽ thay đổi như thế nào?

Khi đó, mọi trẻ đều có thể tiếp cận với giáo dục mầm non chất lượng cao do tất cả giáo viên đều có đủ năng lực và hiểu được nhu cầu của trẻ. Giáo viên biết cách giải quyết những rào cản đối với việc học của trẻ, để đảm bảo tất cả trẻ có thể phát triển toàn diện, đặc biệt là những trẻ thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất. Có được kết quả đó là do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đưa công cụ “quan sát trẻ theo quá trình” vào áp dụng tại tất cả các trường mầm non ở Việt Nam.