Bạn đang ở đây

Việc xây dựng Sổ tay đào tạo là yếu tố then chốt nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình PAEX và nâng cao năng lực đào tạo nhóm giảng viên ToT, cán bộ khuyến nông, cán bộ đoàn thể và ban chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân.

1. Mục đích

Cuốn sổ tay đào tạo này cung cấp những kiến thức và hỗ trợ đào tạo về điều hành và quản lý câu lạc bộ nông dân.
Với thiết kế của cuốn sổ tay, các nội dung sẽ được điều chỉnh theo các cấp đào tạo khác nhau: giảng viên ToT, cán bộ khuyến nông và ban chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân:

  • Đội ngũ giảng viên ToT cấp tỉnh và huyện được đào tạo chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo về điều hành và quản lý câu lạc bộ.
  • Cán bộ khuyến nông được trang bị đủ kiến thức để hỗ trợ các hoạt động câu lạc bộ khuyến nông hiệu quả.
  • Ban chủ nhiệm câu lạc bộ cải thiện kỹ năng điều hành và quản lý câu lạc bộ, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, giám sát và tìm kiếm giải pháp hay những hỗ trợ bên ngoài.

2. Cách thức xây dựng Sổ tay đào tạo

Từ kinh nghiệm đào tạo của giảng viên ToT nòng cốt 5 tỉnh và sự hỗ trợ của cán bộ nghiên cứu, giảng viên VVOB, đối tác Chương trình PAEX (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Đại học Cần Thơ), những khái niệm cơ bản về điều hành và quản lý câu lạc bộ được ghi chép lại và giảng viên ToT xây dựng các nội dung đào tạo và kế hoạch bài giảng trong hai ngày làm việc. Cuốn Sổ tay này đồng thời sử dụng các nguồn tài liệu về đào tạo, điều hành và quản lý câu lạc bộ của các tổ chức, đơn vị tư vấn đào tạo và các tổ chức phi chính phủ.
Trong cuốn Sổ tay này, người đọc sẽ thấy từng mục nội dung chính:

  • Kế hoạch bài giảng
  • Tài liệu phát tay
  • Tài liệu tham khảo

3. Nội dung chính của cuốn Sổ tay

Cuốn Sổ tay này gồm 9 chương và 4 phụ lục. Ở mỗi chương gồm có kế hoạch bài giảng và tài liệu tham khảo gắn với nội dung của chương đó, gồm có:

  • Chương 1: Khởi động chương trình đào tạo
  • Chương 2: Câu lạc bộ khuyến nông / nông dân trong công tác khuyến nông
  • Chương 3: Kỹ năng và phẩm chất của người lãnh đạo
  • Chương 4: Xây dựng mục tiêu Câu lạc bộ
  • Chương 5: Lập kế hoạch hoạt động Câu lạc bộ
  • Chương 6: Một số hoạt động tổ chức Câu lạc bộ, gồm cả nội dung giám sát và đánh giá và các biểu mẫu báo cáo (họp câu lạc bộ, thử nghiệm/mô hình, hội thảo đầu bờ, tham quan, quản lý tài sản câu lạc bộ).
  • Chương 7: Xây dựng và quản lý quỹ Câu lạc bộ
  • Chương 8: Phương pháp đánh giá Câu lạc bộ
  • Chương 9: Kỹ năng và kiến thức đào tạo cơ bản (Phần 1: Giới thiệu đào tạo và học tập; Phần 2: Thiết kế đào tạo, chiến lược đào tạo, mục tiêu đào tạo và kế hoạch bài giảng; Phần 3: Phương pháp đào tạo; Phần 4: Kỹ năng hỗ trợ, huấn luyện/kèm cặp).

Bốn phụ lục gồm các thông tin về kỹ thuật đào tạo và các nguồn tài liệu khác:

  • Phụ lục 1: Chương trình đào tạo gợi ý
  • Phụ lục 2: Chuẩn bị hậu cần khóa đào tạo
  • Phụ lục 3: Theo dõi và đánh giá khóa tập huấn
  • Phụ lục 4: Trò chơi sử dụng trong khóa đào tạo

1. Một số trò chơi khuấy động
2. Trò chơi xây dựng tinh thần hợp tác/tinh thần đồng đội
3. Một số trò chơi liên quan đến bài học.

Để hỗ trợ các nội dung đào tạo này, giảng viên/cán bộ hỗ trợ có thể tải 9 phim ngắn từ trang youtube của VVOB Việt Nam như sau:

1. Phim ngắn 1: Tiến trình thành lập Câu lạc bộ nông dân
2. Phim ngắn 2: Xác định cây trồng vật nuôi ưu tiên
3. Phim ngắn 3: Xây dựng cây vấn đề
4. Phim ngắn 4: Tìm giải pháp kỹ thuật- giải quyết nhu cầu của nông dân
5. Phim ngắn 5: Bố trí thử nghiệm
6. Phim ngắn 6: Theo dõi và đánh giá thử nghiệm
7. Phim ngắn 7: Hội thảo đầu bờ
8. Phim ngắn 8: Chủ nhiệm Câu lạc bộ - Điều hành một cuộc họp ở Câu lạc bộ
9. Phim ngắn 9: Tham quan học tập ở Câu lạc bộ

Sau khi học viên xem xong phần phim ngắn – chính là bước đầu tiên trong chu kỳ học tập của người trưởng thành (trải nghiệm), học viên có thể suy ngẫm những trải nghiệm này từ những khía cạnh khác nhau, thảo luận và phân tích trải nghiệm này – là bước thứ hai của chu trình học tập. Ba phút cuối của đoạn phim ngắn được sử dụng ở bước thứ ba của chu trình học tập để đưa ra kết luận – xây dựng thành khái niệm với việc đưa những suy ngẫm có được của người tham gia thành lý thuyết hợp lý, logic.

4. Cách sử dụng cuốn Sổ tay

Cuốn Sổ tay đào tạo này dành tập huấn cho giảng viên ToT, cán bộ khuyến nông và câu lạc bộ nông dân về điều hành và quản lý câu lạc bộ khuyến nông có sự tham gia.
Chương trình đào tạo phác thảo trong cuốn sổ tay này dựa trên nguyên tắc học tập dành cho người trưởng thành, học tập với thái độ cởi mởi, sự tham gia và phản hồi mang tính xây dựng, học qua cách đặt câu hỏi và các bước suy ngẫm, với các phương pháp học đa dạng, các bài tập khởi động, trò chơi.
Sổ tay được thiết kế chi tiết đáp ứng theo chương trình đào tạo giảng viên chuyên sâu đối với những giảng viên nòng cốt và những giảng viên này có trách nhiệm điều chỉnh những nội dung giới thiệu trong sổ tay này theo từng bối cảnh đào tạo cụ thể tại địa phương và thực hiện chương trình đào tạo cho nhiều bên liên quan (giảng viên ToT trẻ, cán bộ khuyến nông, câu lạc bộ, đoàn thể).
Giảng viên cân nhắc điều chỉnh tài liệu đào tạo theo đối tượng học viên:

  • Thay đổi nội dung tài liệu theo bối cảnh vùng cụ thể hoặc hỗ trợ việc tập huấn theo nhóm đối tượng.
  • Bỏ bớt nội dung hay thêm nội dung nhằm đảm bảo nội dung được thực tế hoặc chính xác.
  • Thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp với nhóm đối tượng.
  • Điều chỉnh nội dung phù hợp với khung chính sách, quy chế.
  • Bổ sung thêm nội dung, hoạt động và các phương pháp đánh giá cụ thể theo chương trình học.
  • Cung cấp thêm nguồn nội dung, tài liệu đọc, trang web, vv.
  • Thay đổi trật tự tài liệu.
  • Thay đổi tính đặc thù của tài liệu theo bối cảnh cụ thể của học viên.

Giảng viên có thể điều chỉnh và chia sẻ tài liệu này theo kế hoạch đào tạo riêng. Chúng tôi đánh giá cao những góp ý cũng như kinh nghiệm của anh chị về nguồn tài liệu này.

TS. Wilfried Theunis
Giám đốc Chương trình Quốc gia VVOB