Bạn đang ở đây

28/05/2022

Vào ngày 28 tháng 4, cả thế giới cùng tôn vinh vai trò của vui chơi. Đối với trẻ em, mỗi ngày đều là  Ngày Quốc tế Vui Chơi vì vui chơi đối với các em như một lẽ tự nhiên. Còn với những người lớn hơn có thể sẽ cần đôi chút trợ giúp để nhớ lại được điều này. Bởi thế, ngày Quốc tế Vui Chơi là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng nhớ lại những lợi ích và niềm hứng khởi khi chơi đùa.

Chơi được biết đến như là “công việc của trẻ em” (Maria Montessori), hay là “cách học tập yêu thích của não bộ chúng ta” (Diane Ackerman). Bên cạnh đó, đã có rất nhiều nghiên cứu và bằng chứng nêu bật tác động tích cực của việc học thông qua vui chơi đối với sự phát triển của trẻ em. Bài thuyết trình nổi tiếng nhất trên diễn đàn TED Talk là của một chuyên gia sáng tạo - Ngài Ken Robinson, với tựa đề “Trường học có giết chết sự sáng tạo không?”. Bài thuyết trình của ông đã nhận được hơn 73 triệu lượt xem. Trong bài thuyết trình, ông đề cập tới ý tưởng biến hệ thống giáo dục thành môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo, thay vì hủy hoại nó. Học thông qua Chơi chính là cách để đạt được điều đó.

 

Tại Việt Nam, VVOB đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai lồng ghép Học thông qua Chơi tại các cấp học khác nhau trong hệ thống giáo dục. Gần đây, VVOB đã tổ chức các chuyến thăm hỗ trợ chuyên môn (khai vấn) và cùng các cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương đến một số trường học thuộc vùng dự án iPLAY. Dưới đây là ba bài học chúng tôi rút ra từ những chuyến thăm đó nhằm giúp giáo viên, lãnh đạo nhà trường và cán bộ giáo dục cải thiện hơn nữa công việc lồng ghép Học thông qua Chơi tại các địa phương.

Học sinh lớp 3 tại trường tiểu học Nguyễn Tất Thành, tỉnh Quảng Trị đang cùng làm bài tập nhóm trong tiết Tiếng Việt. Ảnh: VVOB/Phạm Thu Thủy

1. Học thông qua Chơi là một hướng tiếp cận giáo dục

Khi chúng tôi giới thiệu về Học thông qua Chơi, giáo viên, cán bộ quản lí nhà trường và cán bộ giáo dục thường hỏi chúng tôi rằng họ nên làm như thế nào. Sẽ thật dễ dàng nếu chúng ta có một quy trình chính xác để tuân theo. Nhưng Học thông qua Chơi không hoạt động theo cách đó. Không có một công thức cố định để thực hiện theo nhưng Học thông qua Chơi có những nguyên liệu phổ biến thường được sử dụng. Học thông qua Chơi có những đặc điểm đó là vui vẻ, tương tác xã hội, có ý nghĩa, có nhiều cơ hội thử nghiệm và tham gia tích cực. Sự tự chủ của học sinh là một nguyên liệu thiết yếu khi thực hiện Học thông qua Chơi. Khi bắt đầu hòa trộn những nguyên liệu này, chúng ta có thể tạo ra vô số món ăn ngon. Điều đó có nghĩa rằng khi giáo viên lập lế hoạch bài dạy mà thể hiện được những đặc điểm này, họ có thể thiết kế và sử dụng vô số các phương pháp và kỹ thuật thú vị khác nhau.

2. Chơi không chỉ là chơi các trò chơi

Vui vẻ là một đặc điểm quan trọng của Học thông qua Chơi. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả hoạt động áp dụng Học thông qua Chơi đều phải là những trò chơi tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo ra quá nhiều phấn khích. Học thông qua Chơi cũng có thể được thể hiện qua một hình thức đơn giản như khuyến khích sự tương tác xã hội (ví dụ: kỹ thuật Chuyển và Nói), kích thích tư duy (ví dụ: Nhìn thấy-Suy nghĩ- Băn khoăn) hoặc các phương thức giao tiếp và hợp tác ở cấp độ cao hơn (ví dụ: kĩ thuật mảnh ghép). Các trò chơi chắc chắn rất thú vị và phù hợp với lớp học nhưng Học thông qua Chơi thực chất sẽ vượt ra ngoài hình thức đơn giản chỉ tổ chức các trò chơi.

3. Giáo viên Việt Nam sẵn sàng thử nghiệm

Chúng tôi nhận thấy rằng, bất cứ khi nào chúng tôi đến thăm các trường học, giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường đều mong muốn nắm bắt được việc lồng ghép Học thông qua Chơi. Họ háo hức áp dụng vào thực tế cũng như thử nghiệm các kỹ thuật và ý tưởng mới. Học thông qua Chơi giúp họ đạt được các mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung vào việc phát triển năng lực cho học sinh. Đồng thời Học thông qua Chơi cũng giúp họ nâng cao tiêu chuẩn nghề nghiệp của bản thân. Và đặc biệt nhất là giúp các học sinh phát triển toàn diện hơn. Học thông qua Chơi vẫn đề cao mục tiêu giáo dục của nhà trường, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển cảm xúc, kĩ năng xã hội, thể chất và năng lực sáng tạo cho trẻ em.

 

Một lớp học có lồng ghép Học thông qua Chơi tại trường tiểu học Số 2 Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.

Tháng 4, 2022. Ảnh: VVOB/Phạm Thu Thủy

 

 

Chơi không phải là một việc khác để làm mà là làm việc một cách khác biệt.

Sau tất cả những hỗ trợ kĩ thuật dựa trên mong muốn học hỏi của giáo viên tại các trường học, vẫn có một nỗi lo lớn dường như được nhiều giáo viên chia sẻ: “Tôi không có đủ thời gian để áp dụng việc Học thông qua Chơi”. Đó là điều dễ hiểu. Lịch trình bận rộn và đã có quá nhiều việc giáo viên phải làm.

Nhưng theo Sarah Bouchie, Giám đốc tác động của Quỹ LEGO Foundation: Chơi không phải là một việc khác để làm mà là làm việc một cách khác biệt. Khi áp dụng Học thông qua Chơi, giáo viên không nên cảm thấy như thể họ cần phải làm nhiều việc hơn. Họ có thể làm những điều tương tự như họ đã làm, nhưng làm theo cách khác vui tươi hơn. Việc này không chỉ khiến công việc của họ trở nên thú vị hơn mà còn dẫn đến kết quả tốt hơn.

 

Dự án “Lồng ghép các hoạt động Học thông qua Chơi cho học sinh tiểu học - iPLAY” được Quỹ LEGO hỗ trợ và do VVOB triển khai tại 8 tỉnh thành tại Việt Nam: Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Lai Châu và Hà Giang. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ năng lực cho các cán bộ quản lý giáo dục, lãnh đạo nhà trường và giáo viên cấp tiểu học để tích hợp một cách có hệ thống phương pháp Học thông qua Chơi trong môi trường sư phạm và triển khai tại lớp học.

Thông tin thêm về dự án iPLAY:

https://vietnam.vvob.org/vi/du-iplay-long-ghep-hoc-thong-qua-choi-trong-...

 

Tác giả: Koen Verrecht, Cố vấn Giáo dục Chiến lược của VVOB