Bạn đang ở đây

20/11/2022

Lớp học hôm nay thật vui. Ở góc trò chơi xây dựng, bé Hoa đang cùng các bạn nam xây nhà, xây cầu đường. Còn ở khu trò chơi làm bếp, bé Tùng, bé Khánh cùng đang giúp các bạn nữ chuẩn bị bánh mì để mang tới cho nhóm xây dựng. Có lúc, bé Khánh còn chạy ra chỗ cô Tuệ mời cô món bánh mà chúng vừa lắp ghép.

Hồi đầu năm học, cô Tuệ nhận lớp mẫu giáo lớn với 14 bạn nữ và 17 bạn nam. Loanh quanh khoảng 5, 6 tuổi, tức là các con đã bắt đầu hiểu hơn về thế giới quanh mình. Cô giáo đã hỏi các con về mơ ước sau này, có bạn bảo thích làm bác sĩ, có bạn bảo thích làm nhà du hành vũ trụ. Thế nhưng, có lần, khi một bạn nam xung phong nói giấc mơ của con là làm nội trợ thì cả lớp cười ồ.

Một bạn khác bảo: “Con trai không làm nội trợ. Ở nhà, chỉ có mẹ tớ mới làm nội trợ thôi.” Con nghe vậy xấu hổ và tiu nghỉu.

Chính cô Tuệ cũng đã có thời nghĩ rằng, con trai phải chơi những thứ dùng sức mạnh, con gái phải chơi những trò nhẹ nhàng, điệu đà hơn. Buổi trưa, các bạn nam khỏe hơn thì đi khiêng bàn cùng cô. Buổi chiều, cô phân cho các bạn nam chơi trong góc xây dựng, các bạn nữ thì chơi bán hàng, chơi búp bê, chơi nấu ăn, tuyệt đối không được đá bóng.

Con gái ai lại đá bóng!”, cô bảo thế mỗi khi có bé gái nào ngỏ ý muốn cùng ra sân nghịch ngợm với lũ con trai hiếu động.

Cô vẫn đinh ninh làm vậy là đúng rồi. Ngày xưa mình đi học cũng vậy, bao đời nay vẫn là như vậy. Ngay cả các lớp khác, các cô giáo khác cũng làm vậy cả thôi. Cho đến khi được tham gia một chương trình xóa bỏ rào cản học tập bậc mầm non của VVOB, trong đó có một bài học về rào cản giới, cô mới nhận ra bấy lâu nay, mình đã nhìn nhận vấn đề chưa đúng.

“Ừ nhỉ, mình cứ dạy học trò về chú bộ đội, chú công an. Nhưng chẳng phải vẫn có các cô bộ đội, cô công an đấy sao? Cũng đâu phải chỉ phụ nữ mới làm y tá còn nam giới mới làm bác sĩ? Lần trước có bác sĩ về trường thăm khám cho các con, cũng là một cô bác sĩ còn gì?”.

Hiểu ra điều đó, vậy là hôm sau cô Tuệ đến lớp và lần này cho các con tùy chọn góc chơi của mình.

Bạn nam nào thích làm nội trợ cũng đều có thể qua nấu cơm, chăm em bé nhé!”, cô bảo.

          Cả lớp mới nhao nhao: “Nhưng con trai sao lại làm nội trợ được ạ?

Cô mới hỏi lại học trò: “Thế tại sao các con nghĩ con trai không làm được nội trợ?

Bọn trẻ gãi đầu. Một bé giơ tay bảo: “Ở nhà con, bố con về nhà là đọc báo, xem tivi, đi nhậu thôi, hoặc là đi đánh cầu lông. Chỉ có mẹ con đi chợ, nấu ăn, bế em thôi ạ.”

Cô ân cần bảo rằng: “Có thể là bởi vì con chưa được xem bố trổ tài thôi. Thật ra thì ai cũng có thể làm được mọi việc các con ạ.

Vậy là từ đó, mỗi khi tổ chức các hoạt động, thay vì phân đội nam - đội nữ như mọi khi, cô Tuệ cho các con tự chọn chỗ ngồi. Thi thoảng cô lại hỏi: “Bạn Hoa có thích làm kỹ sư xây dựng không?”, hay “Ai có thể làm nghề dạy học?

Cứ như vậy, các bé dần quen với việc, phân công xã hội không cần thiết phải dựa vào giới tính. Bé nam và bé nữ đều cùng nhau làm mọi việc, chúng ngày càng đoàn kết và thân thiết hơn. Bé nữ thì được hoạt động nhiều, ngày càng cứng cáp, còn bé nam lại rèn luyện thêm sự tỉ mỉ và cẩn thận. Ai mà thắc mắc tại sao cô Tuệ lại để cho bé nam chơi búp bê, lẽ ra phải ngăn không cho bé làm như vậy, thì cô sẽ giải thích và nói thêm rằng: “Biết đâu sau này bé lại có khiếu về thẩm mỹ, về thiết kế thì sao? Mình đừng nên kìm hãm năng lực của một đứa trẻ, hãy cứ để nó tự nhiên biểu lộ.