Bạn đang ở đây

30/06/2021

Các hoạt động ngoài trời bị tạm dừng

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện đang bùng phát trở lại đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… nhiều gia đình hủy những hoạt động, kế hoạch đi chơi, hạn chế những chỗ đông người. Nhiều bậc phụ huynh coi kỳ nghỉ hè như một cơ hội tuyệt vời để trẻ có thể nâng cao những kỹ năng và kiến thức cần thiết, qua đó chuẩn bị một tâm thế tốt hơn cho năm học mới; thì hiện tại họ phải làm quen với việc tự bồi dưỡng cho con tại nhà.

Bãi biển Đà Nẵng đóng cửa do COVID19

Anh Châu (38 tuổi, Hà Nội) cho biết:”Chúng tôi đã có kế hoạch cho cháu lớn (8 tuổi) tham gia khóa học hè rèn luyện kỹ năng, nhưng hiện nay phải hoãn lại và chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được. Trước bối cảnh ‘bình thường mới’ này, chúng ta cần phải làm quen và sống chung với lũ.”

Đối với trẻ nhỏ (lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học) sẽ thường hay hiếu động, nếu ở trong nhà nhiều thì trẻ dễ sinh ra cảm giác khó chịu hoặc những phản ứng tiêu cực. Có những trẻ không thích những trò chơi tại nhà, khó hợp tác với bố mẹ hoặc tiếp cận với những thiết bị công nghệ quá sớm. Bởi vậy, đây cũng là thử thách cho bố mẹ khi vừa phải nhẹ nhàng kiên nhẫn để lắng nghe và hiểu con, vừa phải sáng tạo trong các hoạt động tại nhà để trẻ có thể vừa học những thứ mới, vừa chơi một cách vui vẻ. Tuy tình hình dịch bệnh mang lại nhiều khó khăn cho toàn xã hội, nó cũng có những mặt tích cực đối với gia đình. Bố mẹ dành nhiều thời gian cho các con hơn, và sự gần gũi với cách tiếp cận đúng sẽ mang lại gắn kết tốt hơn khi bố mẹ dần hiểu những tâm tư, nguyện vọng của trẻ.

Bố mẹ cùng trẻ học thông qua chơi tại nhà

Giáo dục tiểu học ở Việt Nam đang có nhiều sự thay đổi tích cực. Một chương trình giảng dạy mới, dựa trên năng lực của học sinh là động thái chuyển đổi từ một hệ thống giáo dục tập dựa trên kiến thức sang một hệ thống giáo dục thực sự coi trọng sự phát triển toàn diện của người học, “để chuẩn bị cho trẻ thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng và phức tạp của xã hội tương lại” (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Để chuẩn bị cho trẻ bước vào một thế giới đầy biến động trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc đào tạo các kĩ năng cần thiết của thế kỷ 21 là rất quan trọng.

Thế hệ trẻ cần các kĩ năng như kĩ năng giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, tự chủ, kĩ năng học tập, tư duy phản biện để sẵn sàng thích ứng trong thế kỷ 21. Để giúp trẻ phát triển những kĩ năng này, bố mẹ có thể cùng con thực hành các hoạt động Học thông qua chơi tại nhà.

Chơi là giáo dục khi hoạt động đó vui vẻ, có ý nghĩa, thúc đẩy trẻ tích cực tham gia, tạo nhiều cơ hội trải nghiệm và tăng cường tương tác xã hội. Không chỉ là trò chơi và các hoạt động vui chơi, Học thông qua Chơi là sự lĩnh hội một cách tiếp cận mới về việc học của học sinh thông qua các hoạt động mang tính chơi. Qua đó các em phát triển về Nhận thức, Sáng tạo, các kĩ năng Xã hội, Cảm xúc, Thể chất.

Chị Lan Hương (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ:”Ở nhà tôi cũng thử lồng ghép các hoạt động Học thông qua chơi cho con. Ví dụ như tôi để các con tự phát triển Sơ đồ tư duy từ câu chuyện trong sách. Sau đó kể lại câu chuyện bằng cách tạo con rối, mở một nhà hát kịch nhỏ ở nhà, sử dụng đèn pin làm spotlight. Có lúc đi chợ về, tôi bày đồ ăn ra các nhóm khác nhau để các cháu học một cách sinh động về các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể trong thức ăn như thế nào. Muốn các con vui vẻ hào hứng thì mình cũng phải tâm huyết với việc phát triển bản thân để không bị ‘lạc nhịp’ với trẻ nữa.”

 

Xin mời các thầy cô và cha mẹ tham khảo https://thuvien.choivuihoctot.vn/ và cùng chia sẻ kinh nghiệm đồng hành trong quá trình phát triển của con!